Sự thức tỉnh của cá nhân và cộng đồng

Posted by Unknown on Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014 |


TT - LTS: Từ hai trường đại học, hai tác giả thuộc hai thế hệ khác nhau gửi đến diễn đàn của Tuổi Trẻ những mong mỏi chung trong việc ngăn chặn thói hư tật xấu, cùng xây dựng một cộng đồng tử tế. Hi vọng đó bắt đầu từ việc mỗi người phải tự kiểm soát chính mình...

Cảnh xả rác bừa bãi- Một trong những hình ảnh xấu xí thường gặp. Một cộng đồng tử tế hơn đang cần mỗi con người tự biết xấu hộ hơn  - Ảnh : Thuận Thắng
Làm chủ trước tham, sân, si

"Vì thiếu tự trọng và tự tin sinh ra thói a dua, “ném đá” theo kiểu bầy đàn"

PGS.TS NGUYỄN VĂN TIỆP


Trong nhiều thập niên, việc giáo dục đạo đức cách mạng được tiến hành sâu rộng đã huy động sức người, sức của cho hai cuộc kháng chiến, phải nói là kỳ tích. Nhiều đảng viên, cán bộ, người dân đã không tiếc thân mình hi sinh vì nghĩa lớn của dân tộc.

Tuy nhiên, điều mà tôi học được từ GS Hoàng Ngọc Hiến là đạo đức cách mạng coi trọng giáo dục quan hệ đạo đức của cá nhân với người khác (mỗi người vì mọi người) nhưng lại coi nhẹ quan hệ (hoặc trách nhiệm) đạo đức của cá nhân đối với bản thân mình.

Trách nhiệm này thể hiện ở những đức tính như tự xấu hổ (tự ố), tự trọng, tự tin, tự ái. Rất tiếc là trong sinh hoạt đạo đức và tư tưởng cũng như trong công tác giáo dục một thời kỳ dài coi nhẹ và sao nhãng những đức tính tốt này. Đây là một chỗ hổng rất đáng được quan tâm trong đời sống đạo đức của chúng ta.

Tự xấu hổ là hành vi bản năng của con người khi nhận ra một điều gì đó phải ăn năn, hối lỗi. Tự xấu hổ là cách thức điều chỉnh hành vi đạo đức của cá nhân (sự sám hối) trước bản thân mình và người khác. Người mà không biết xấu hổ sẽ không có lòng tự trọng (tức mình coi trọng mình), đồng thời cũng không coi trọng người khác. Vì thiếu tự xấu hổ và tự trọng nên giới quan chức chưa hình thành văn hóa từ chức.
Văn hóa phê bình và tự phê bình được hô hào như phương thuốc chữa trị những vấn nạn hiện nay nhưng lại là vô hiệu quả vì cũng thiếu hai cái nói trên.

Tự tin tức là mình tin ở mình. Tự ái tức mình biết yêu quý mình, hiểu theo nghĩa tốt đẹp là ý thức về phẩm giá cá nhân như là một tình cảm cao quý khiến ta cố gắng tìm mọi cách để xứng đáng với sự quý trọng của người khác. Đây là một phẩm giá cao thượng, một điều cốt yếu của nhân cách, đạo đức.

Quan hệ mình với mình là tiền đề cho sự hình thành chủ thể để tự xét mình (phản thân) để rồi bản thân tỉnh ngộ. Tinh thần coi trọng sự tự xét mình và sự tự giác trong hành vi đạo đức cùng một bản chất với tinh thần coi trọng sự xem xét độc lập, sự phán xét độc lập và sự quyết định độc lập của chính mình trong hành động.

Vì thiếu tự trọng và tự tin sinh ra thói a dua, “ném đá” theo kiểu bầy đàn, thiếu tính chân thật ngay thẳng sinh ra tệ nạn nói dối. Tiếc rằng, một thời ở Việt Nam, vì cái chúng ta nên quên mất cái tôi, vì nói đến cái tôi là vi phạm đạo đức, bị khép vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cần phải dẹp bỏ. Nhiều người bị oan khuất khi nói đến cái tôi chân chính này.

Thêm nữa, một thời gian dài cho tới bây giờ, ở Việt Nam thiếu những định chế hữu hiệu để ngăn chặn, giám sát, giáo dục và xử lý hành vi thiếu đạo đức nên tệ nạn gia tăng, thói ăn cắp và các thói hư khác lộng hành. Quan chức tham nhũng lấy của công (tức của dân) làm của tư không còn tự xấu hổ, tự trọng gây nhiều nhức nhối. Dân thường một số cũng đánh mất mình, không lấy được của công thì lấy của người khác.

Đã đến lúc phải thay đổi thể chế giáo dục, xây dựng những định chế xã hội mới để có thể ngăn chặn và dẹp bỏ những thói hư tật xấu nói trên. Trước hết mỗi người phải tự kiểm soát và làm chủ được mình trước tham, sân, si với nhân cách văn hóa của mình trước khi sửa và dạy cho người khác.

PGS.TS NGUYỄN VĂN TIỆP (khoa nhân học, Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)

Subscription

You can subscribe by e-mail to receive news updates and breaking stories.

Most Popular

Recent News

Archives